Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM: Mức giảm 0.2% lãi vay/năm là quá thấp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán tài chính

  • Admin
  • 16 Tháng 9 2020

Cũng như các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác, Theo các doanh nghiệp cơ khí điện - hội viên của HAMEE, thì khả năng tiếp cận gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19 của họ, quá khó khăn. Nên giảm lãi suất từ 1% đến 2% tùy trường hợp

Trong quý II/2020, doanh thu doanh nghiệp trong ngành điện cơ khí có thể giảm lên đến hơn 50%

Những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và cho Việt Nam nói riêng, hết sức rõ ràng. Trong đó, ngành cơ khí – điện chịu tác động, trực tiếp và gián tiếp, từ dịch Covid-19, rất nghiêm trọng.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí điện TP. HCM (HAMEE) đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các công ty thành viên của hội.

Kết quả ghi nhận từ Bảng khảo sát online cho thấy, doanh nghiệp của HAMEE gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ: nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh (dự đoán trong Quý II/2020, doanh thu nhiều doanh nghiệp có thể giảm lên đến 50%); chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự của doanh nghiệp không thể kéo dài.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại vẫn chưa là đỉnh của thiệt hại do Covid-19 gây ra, mà có thể là vào quý II/2020. Do đó, các doanh nghiệp cần dự đoán thời điểm ‘bão tới’ (đỉnh điểm khủng hoảng) để chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó. Khi đó, doanh thu chắc chắn sẽ giảm từ 30-70%, có thể kéo dài trong 3, 6, 9 thậm chí 12 tháng tới và nếu cần thì doanh nghiệp nên sẵn sàng chọn phương án ‘ngủ đông’ để tái cấu trúc hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên, chuẩn bị nguồn lực để phục hồi nhanh sau giai đoạn ngủ đông.

Còn theo ông Kiều Huỳnh Sơn – Phó Chủ Tịch Thường trực HAMEE kiêm Tổng Giám Đốc Công Ty Máy và Sản phẩm Thép Việt, đơn vị chuyên chế tạo máy cán tôn phục vụ ngành xây dựng, xuất khẩu hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới thì: "Doanh nghiệp trong ngành cơ khí điện Việt Nam đang đối mặt với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nghiêm trọng do giới hạn thông thương giữa các nước để tránh dịch Covid-19.

Thế nên, giải pháp đối phó hiện tại của doanh nghiệp lúc này là đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, không nên tập trung vào một vài thị trường sẵn có trước đây và càng không thể phụ thuộc vào các khách hàng cố định; cần đẩy mạnh công tác marketing online giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm đến đối tác và khách hàng mới".

hm2
Ông Kiều Huỳnh Sơn – Phó Chủ Tịch Thường trực HAMEE (áo caro xám) đang đi thăm và liên kết các hội viên

Ông Sơn còn nhấn mạnh: hơn bao giờ hết, trong giai đoạn này các Hội ngành nghề và các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước (Vietrade, ITPC, VCCI, TAITRA, KOTRA, JETRO, MATRADE, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài..), cần tích cực hơn nữa trong việc kết nối thông tin thị trường các nước, các chương trình kết nối online B2B…; nhằm triệt để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và thâm nhập thị trường mới để tìm kiếm khách hàng mới.

Bên cạnh đó, trong tình hình đại dịch, một số hội viên của HAMEE đã nghiên cứu mở rộng và đa dạng các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường (điển hình như chế tạo cánh tay Robot công nghiệp, Robot hàn, robot sơn)…; nhằm có thể áp dụng vào quy trình sản xuất các giải pháp tự động hoá như kho hàng thông minh - nhà máy thông minh, quản lý nhà máy từ xa IoT 4.0. Hoặc thậm chí, có công ty còn mở rộng dòng sản phẩm sang lĩnh vực y tế như thiết kế và chế tạo máy thở made in Vietnam.

Mức giảm 0.2% lãi vay/năm là quá thấp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán tài chính

Ở khía cạnh khác, khả năng tiếp cận được gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước của các hội viên HAMEE vẫn quá khó khăn. Thêm nữa, dưới sự tác động của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng TMCP, doanh nghiệp chỉ được giảm 0.2% lãi vay/năm, mức quá thấp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán tài chính trong đại dịch Covid-19.

Về giải pháp tài chính, HAMEE đề nghị các Ngân hàng nên giảm lãi suất 1%/ năm, đối với các hợp đồng tín dụng đã ký và đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu nợ. Giảm lãi suất 2%/ năm, đối với hợp đồng tín dụng mới. Nhà nước cần tài trợ phần giảm lãi suất vì ngân hàng không chịu giảm.

Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận gói tín dụng 285.000 tỷ từ ngân sách Nhà nước, với thủ tục nhanh gọn và đơn giản, nới lỏng các điều kiện và nên chọn tiêu chí đánh giá thiệt hại cơ bản là mức giảm doanh thu, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong cũng như sau đại dịch.

Giãn 6-12 tháng thời hạn đáo hạn các hợp đồng tín dụng đến hạn, kể từ tháng 4/2020. Vì doanh nghiệp không có nguồn thu, dẫn đến không có khả năng trả nợ đáo hạn; rồi để tránh tình trạng nợ xấu, doanh nghiệp có thể vay để trả nợ đáo hạn, điều đó làm gia tăng nguy cơ tín dụng đen cho cả nền kinh tế.

Về giải pháp nguồn lực: nhằm giữ và ổn định nguồn lực lao động, các doanh nghiệp của Hội vẫn cố trả lương đều đặn cho người lao động. Nguyên do là vì ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và điện-tự động hóa, nguồn lực lao động rất khó đào tạo nên dù rất khó khăn, doanh nghiệp vẫn cố gắng trả lương cho công nhân để duy trì nguồn lực làm việc sau dịch Covid-19. Để hỗ trợ doanh nghiệp giữ được nguồn nhân lực tốt, Nhà nước nên hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Về miễn – giảm và giãn các loại thuế phí: thuế VAT nên giảm 5% và giãn đến năm 2021. "Do sức mua kém, hàng hoá cần giảm giá thành để kích thích sức mua. Đây là giải pháp tạm thời hỗ trợ doanh nghiệp mượn tiền thuế để tái đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh", HAMEE giải thích lý do vì sao đưa ra đề nghị này.

Còn thuế nhập khẩu cần giảm 50% và giãn 6 tháng. Cụ thể: trước mắt, nhà nước nên xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu các linh kiện phụ tùng dùng cho chế tạo máy và chế tạo khuôn mẫu.

Phần lâu dài, Chính phủ cần xem lại hoàn chỉnh biểu thuế suất thuế nhập khẩu đảm bảo đúng luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là "Thuế suất thuế nhập khẩu giãm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô". Hiện nay, khi doanh nghiệp nhập trọn máy móc, thiết bị, khuôn mẫu thì thuế suất thuế nhập khẩu là 0%, nhưng nhập linh kiện để chế tạo máy móc thiết bị, khuôn mẫu thì một số loại có thuế suất từ vài % đến 20%.

hm3
Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa trong việc xúc tiến thương mại để tìm thị trường mới

Về chính sách thị trường: Chính phủ cần có những hỗ trợ chính sách thị trường, nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tìm nguồn khách hàng mới, thông qua việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình hiện tại, chia thành 2 giai đoạn online & offline (sau khi hết dịch và các nước mở lại giao thương).

Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn cung ứng nội địa, nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đủ quy mô phù hợp với sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí. Ngoài ra, cần thực hiện các buổi giao thương, triển lãm, trao đổi cung cầu, giao lưu để đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cần có chính sách tạo thị trường cho ngành cơ khí- điện-tự động hóa từ nguồn đầu tư công như xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, v.v … Khi ký hợp đồng giao thầu các gói thầu lớn đối với các tổng thầu, cần quy định một tỉ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Trên thị trường, năng lực nhiều doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam có thể chế tạo được nhiều loại sản phẩm chất lượng cao, công nghệ cao.

Về hỗ trợ hệ thống quản trị sản xuất: hiện nay, hệ thống quản trị của các doanh nghiệp cơ khí, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn rất yếu kém, cần phải được đầu tư để nâng cao khả năng quản lý sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đề nghị TP. HCM có chính sách hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp quản trị, các phần mềm quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc khe của các đối tác nước ngoài.

Đưa việc đầu tư các phần mềm hệ thống quản trị ERP của doanh nghiệp vào danh mục được vay vốn kích cầu theo nghị quyết của HĐND TP.HCM (tương tự phần mềm thiết kế đã có trong danh sách kích cầu).

Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn

Tin tiêu điểm

Tàu vũ trụ Crew Drgon của SpaceX đưa 4 phi hành gia kết nối thành công với trạm vũ trụ quốc tế

Đây là lần phóng tàu vũ trụ có chở người lần thứ hai của SpaceX trên con tàu vũ trụ có tên Crew Drgon. Tàu vũ trụ đã kết nối thành công với trạm vũ trụ quốc tế ISS theo kế hoạch, tức là sau khoảng 26 giờ sau khi được phóng từ trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida của Mỹ vào ngày 17/11.

7 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.